Đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
29/11/2024 09:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
- Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 về bảo hiểm xã hội tự nguyện đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia chính sách này. Trong đó, phương án 1 đã đề xuất tăng mức hỗ trợ lên 50% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Dự thảo này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các nội dung cụ thể được quy định gồm có: đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội; mức đóng, phương thức đóng và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hưởng bảo hiểm xã hội một lần; điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội; chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối tượng áp dụng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận tờ khai đăng ký này và người tham gia đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp không cấp sổ bảo hiểm xã hội, thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhu cầu thay đổi thông tin đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì nộp tờ khai điều chỉnh thông tin kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Việc điều chỉnh thông tin đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Nghị định này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Dự thảo Nghị định đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án cụ thể.
Phương án 1:
a) Bằng 50% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 40% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc dân tộc thiểu số:
d) Bằng 20% đối với các đối tượng khác.
Phương án 2:
a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc hộ nghèo, người thuộc dân tộc thiểu số;
b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc hộ nghèo;
c) Bằng 20% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc dân tộc thiểu số:
d) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức hỗ trợ cao nhất.
Khuyến khích các địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng bảo hiểm xã hội phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện do cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền.
Dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án:
Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội mỗi quý một lần. Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào Quỹ Bảo hiểm xã hội của năm đó.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn.
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 1/1/2008. Sau gần 16 năm triển khai, tính đến hết tháng 9/2024, cả nước đã có hơn 1,99 triệu người tham gia.
Theo quy định hiện hành, mức đóng hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào Quỹ Hưu trí và tử tuất.
Sau gần 16 năm triển khai, tính đến hết tháng 9/2024, cả nước đã có hơn 1,99 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng. Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2024 là 46.800.000 đồng.
Đồng thời, chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm.
Mức hỗ trợ chi tiết áp dụng với ba nhóm đối tượng cụ thể như sau:
- Hộ nghèo (30%): 1.500.000 X 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 X 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
- Người tham gia khác (10%): 1.500.000 X 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn phương thức đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần.
Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm (60 tháng) thì được đóng cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu.
Dự thảo Nghị định cũng quy định chế độ hưu trí đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Về quy định chuyển tiếp, các quy định của dự thảo Nghị định này được đề xuất áp dụng đối với người đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày 1/7/2025.
Người đang hưởng lương hưu hằng tháng trước ngày 1/7/2025 thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm phụ cấp khu vực thì ngoài lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần và trợ cấp tuất thì được giải quyết hưởng trợ cấp khu vực một lần theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/7/2025 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo các phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong đó có thời gian kể từ ngày 1/7/2025 trở đi, thì việc hỗ trợ tiền đóng quy định tại Điều 4 Nghị định này được thực hiện kể từ thời điểm người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức đóng mới, sau khi hoàn thành thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức đã đăng ký trước đó.
NGÂN ANH
https://nhandan.vn/
Đoàn công tác BHXH thăm và tri ân các gia đình có ...
5 tỉnh nào sẽ thực hiện việc trả lương hưu, trợ ...
Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già cơ cực vì ...
MOTION GRAPHIC BHYT HO GIA DINH
Bạn thường tìm hiểu thông tin về BHXH ở đâu?